Con lười dọn phòng phải làm sao? Đừng lo, đã có giải pháp cho bố mẹ

25/11/2024

Một căn phòng bừa bộn chưa hẳn đã là điều đáng lo ngại. Thấu hiểu tâm lý tuổi teen sẽ giúp bố mẹ giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Từ khi trẻ mới sinh ra, bập bõm biết đi đến lúc trưởng thành luôn cần sự đồng hành của bố mẹ. Và trong quá trình ấy, giữa bố mẹ và con cái thường xảy ra những bất đồng. Có khi chỉ là chuyện nhỏ trong cuộc sống nhưng cũng có thể dẫn đến những mâu thuẫn lớn.

Chẳng hạn như nhiều bố mẹ rất khó chịu, bực bội khi thấy căn phòng của con bừa bộn. Thông thường, bố mẹ cho rằng con rất lười biếng, không chịu dọn dẹp. Và đương nhiên bố mẹ sẽ buông những lời chỉ trích, quát mắng. Điều này dễ kích hoạt tâm lý nổi loạn của những đứa trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý, một căn phòng bừa bộn chưa hẳn đã là điều đáng lo ngại. Việc trẻ không muốn dọn dẹp phòng không chỉ đơn thuần là sự lười biếng mà còn ẩn chứa nhiều tâm lý phức tạp khác.

Tại sao con tuổi teen lại không muốn dọn phòng?

Sự phát triển của não bộ: Ở độ tuổi này, phần não bộ chịu trách nhiệm cho khả năng tổ chức và lập kế hoạch vẫn đang phát triển. Vì vậy, các con có thể chưa hình thành được thói quen gọn gàng.

Khẳng định bản thân: Phòng ngủ là không gian riêng tư của con, nơi con thể hiện cá tính và sở thích. Do đó, một căn phòng bừa bộn là dấu hiệu cho thấy con là người dám phá vỡ quy tắc, con có khả năng sáng tạo, nghĩ ra những ý tưởng bất ngờ, nắm bắt được cảm hứng.

Áp lực học tập và xã hội: Khi phải đối mặt với nhiều áp lực từ học tập, bạn bè, con có thể cảm thấy mệt mỏi, khó khăn khi cố làm những việc đòi hỏi sự tập trung như giữ nhà cửa ngăn nắp hay chăm sóc đời sống cá nhân.

Một căn phòng bừa bộn chưa hẳn đã là điều đáng lo ngại

Làm thế nào để giúp con có thói quen gọn gàng?

Nếu bố mẹ chỉ trích, càu nhàu về sự bừa bộn của con, điều này không những không giúp ích gì được mà có thể khiến con xa cách hơn. Thay vào đó, bố mẹ hãy nhẹ nhàng trò chuyện với con để hiểu rõ nguyên nhân và cùng nhau tìm ra giải pháp.

Giải pháp ngắn hạn:

Chia nhỏ công việc: Thay vì yêu cầu con dọn dẹp toàn bộ căn phòng, bố mẹ hãy chia nhỏ công việc thành những nhiệm vụ đơn giản như nhặt quần áo bẩn, bỏ rác, gấp chăn màn và yêu cầu con giải quyết vấn đề dần dần.

Tạo động lực: Khi con cố gắng dọn dẹp phòng, bố mẹ hãy dành cho con những lời khen ngợi để động viên con. Bố mẹ cũng có thể tạo ra một bảng biểu để theo dõi tiến độ và ghi nhận những thành tích của con.

Bố mẹ là tấm gương tốt nhất: Con cái thường học hỏi từ bố mẹ. Nếu bố mẹ gọn gàng, ngăn nắp, con sẽ tiếp thu điều này nhanh chóng. Nếu bố mẹ hay vứt đồ lộn xộn, chắc chắn con sẽ bắt chước.

Nếu bố mẹ gọn gàng, ngăn nắp, làm gương cho con, con sẽ tiếp thu điều này nhanh chóng.

Giải pháp dài hạn:

Tạo không gian thoải mái: Bố mẹ cần lưu ý, phòng ngủ là không gian riêng tư của con, vì vậy hãy để con tự do sắp xếp đồ đạc theo sở thích cá nhân của mình. Khi phòng ốc đẹp mắt, con sẽ có động lực giữ gìn hơn.

Tạo không gian lưu trữ: Bố mẹ có thể sắm sửa thêm các loại tủ, kệ, hộp đựng đồ để giúp con phân loại và sắp xếp đồ đạc một cách khoa học.

Giúp con tìm hiểu về lợi ích của việc gọn gàng: Bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng một căn phòng gọn gàng sẽ giúp con tập trung hơn, tìm kiếm đồ đạc dễ dàng hơn và cảm thấy thoải mái hơn. “Mưa dầm thấm lâu”, con sẽ dần dần hiểu và có hứng thú để tự giác rèn tính ngăn nắp, gọn gàng.

Rèn luyện cho con tính tự lập: Bố mẹ không nên lục soát và dọn dẹp phòng của con khi con không có ở nhà. Nếu bố mẹ tự dọn dẹp, trẻ sẽ nghĩ rằng bố mẹ đã can thiệp vào việc riêng của chúng. Điều này sẽ khiến trẻ khó chịu và bất hợp tác. Thay vào đó, bố mẹ hãy chờ con về để yêu cầu con dọn dẹp.

Rèn một thói quen tốt cần nhiều thời gian và công sức. Con trẻ không phải là người lớn thu nhỏ lại, vì vậy bố mẹ không nên yêu cầu con phải sống theo tiêu chuẩn của người lớn. Hãy đồng cảm, kiên nhẫn và tạo cho con một môi trường tích cực, con sẽ thấy mình cần có trách nhiệm hơn.

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN