Tin tức
sự kiện

"Có psy, đừng ngại" số 04: Bí kíp quản lý thời gian, vượt qua trì hoãn

29/02/2024

Trì hoãn là thói quen mà không ít các con học sinh trải qua trong cuộc sống, từ học tập đến cuộc sống cá nhân. Hiểu được tâm lý chung của các con học sinh, minitalk “Có psy, đừng ngại” đã dành trọn số 04 để cùng các con học sinh bóc tách “căn bệnh” trì hoãn và tìm ra “phương thuốc” chấm dứt “căn bệnh” này.

Tháng này nhiều bài tập về nhá quá, để tháng sau bắt đầu học tiếng Anh cũng chưa muộn.

Còn hơn 1 tuần nữa mới đến hạn nộp dự án, cứ chơi trước đã rồi mai tính.

Dạo này sức khỏe nhiều vấn đề quá, để khi nào rảnh thì mình tập thể dục vậy…

Đó là thói quen mà không ít các con học sinh trải qua trong cuộc sống, từ học tập đến cuộc sống cá nhân. Hiểu được tâm lý chung của các con học sinh, minitalk “Có psy, đừng ngại” đã dành trọn số 04 để cùng các con học sinh bóc tách “căn bệnh” trì hoãn và tìm ra “phương thuốc” chấm dứt “căn bệnh” này.

Trì hoãn không chỉ đơn thuần là thói quen hay bản tính mà là cuộc chiến cảm xúc. Dưới góc nhìn khoa học, đó là cuộc chiến giữa hai phần não bộ: vùng hạch hạnh nhân (tham gia vào quá trình xử lý cảm xúc, học cách tránh những điều có hại và tìm kiếm điều có lợi) và vỏ não trước trán (suy nghĩ và lập kế hoạch cho tương lai).

Cô Hoàng Diệu Thúy - Chuyên viên Tư vấn Tâm lý học đường cung cấp những dẫn chứng khoa học giúp các con học sinh hiểu hơn về "trì hoãn".

Tại buổi minitalk, các con đã cùng thảo luận mặt tích cực và tiêu cực của trì hoãn. Mặc dù trì hoãn khiến hiệu suất công việc bị giảm, gia tăng áp lực cho bản thân, thất bại trong dự án hoặc mục tiêu, ảnh hưởng tới các mối quan hệ…, nhưng các con đồng tình rằng trì hoãn không phải lúc nào cũng xấu. Trì hoãn giúp điều hòa cảm xúc, tránh stress, tập trung thực hiện công việc hiệu quả hơn ở những phút cuối cùng.

Trì hoãn có nhiều tiêu cực nhưng các con đồng tình rằng trì hoãn không phải lúc nào cũng xấu.

Từ kinh nghiệm dày dặn của bản thân, cô Hoàng Diệu Thúy (Chuyên viên Tâm lý học đường) đã hướng dẫn các con học sinh cách để thoát khỏi vòng lặp trì hoãn. Trước hết, các con cần xác định đúng tính chất sự trì hoãn của bản thân. Đó là do con dễ phân tâm, thiếu tập trung, con sợ thất bại, sợ thành công hay con đánh giá sai tính chất, thời gian công việc, không biết bắt đầu từ đâu…

 

Từ đó, các con học sinh có thể lập kế hoạch, chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ, vạch ra các đầu mục công việc cần thực hiện để đạt được mục tiêu nhỏ, phân loại, sắp xếp các đầu mục công việc và thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Các con cũng có thể áp dụng phương pháp quản lý thời gian Pomodoro để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc.

Các con cùng học cách lập kế hoạch để "thoát khỏi" vòng lặp trì hoãn.
và tìm hiểu phương pháp quản lý thời gian Pomodoro để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc.

Minitalk “Quản lý thời gian, vượt qua trì hoãn” đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Từ những kiến thức được chia sẻ trong buổi minitalk, các con học sinh sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của thời gian và biết cách sắp xếp công việc phù hợp. Qua đó các con áp dụng vào thực tiễn để tăng hiệu suất công việc và việc học của mình.

 

-----------

“Có psy, đừng ngại” là chuỗi chương trình minitalk chia sẻ về tâm lý và phát triển bản thân dành cho các con học sinh THCS và THPT. Với hình thức đối thoại – nêu quan điểm, sinh hoạt vòng tròn chia sẻ - lắng nghe, Q&A giải đáp thắc mắc, trò chơi và trải nghiệm, “Có psy, đừng ngại” giúp các con học sinh tìm hiểu những kiến thức tâm lý học chuyên sâu; nâng cao nhận thức, hiểu biết về các vấn đề liên quan đến bản thân, các mối quan hệ, các vấn đề tâm lý xã hội; từ đó giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao kỹ năng ứng phó với những vấn đề tâm lý.

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN