“Dấu chân dịch bệnh” – Một dự án liên môn sôi nổi của học sinh Khối 6
10/05/2024
Gần 5 năm đã trôi qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện và làm chao đảo cả thế giới. Giãn cách xã hội, vaccine, biến thể của virus SARS-CoV2… là những thứ không thể quên với toàn nhân loại. Trong hỗn mang của những đại dịch mới và day dứt của một thế giới đang bị bỏ lại phía sau, việc kiểm soát đại dịch như thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Dự án liên môn Sinh học – Địa lý – Kỹ năng sống với chủ đề “Dấu chân dịch bệnh” của các con học sinh Khối 6 vừa qua đã đem tới một không khí học tập sôi nổi, nơi các con vận dụng kiến thức của nhiều bộ môn để đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi xung quanh vấn đề lớn của nhân loại, từ đó lĩnh hội kiến thức sâu rộng và đa diện.
Tại buổi báo cáo dự án vào ngày 9/5, các lớp đã mang đến những poster, mô hình tràn ngập sắc màu - thành quả của gần 2 tháng miệt mài tìm hiểu. Những kiến thức khô khan về cấu tạo virus, vi khuẩn đã được các con chuyển hóa thành các sơ đồ, mô hình trực quan, giúp người xem có cái nhìn tổng quát về các dịch bệnh: đậu mùa, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sốt rét, tả…
Không chỉ có những hoạt động mang tính học thuật như thuyết trình, báo cáo, các con còn có những sáng tạo thú vị như: diễn kịch tái hiện lịch sử bùng phát bệnh đậu mùa và con đường tìm ra vaccine; chinh phục thử thách kiến thức về virus, vi khuẩn, các bệnh nhiệt đới phổ biến, mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên – con người – dịch bệnh…
Cũng tại buổi báo cáo, các con đã có dịp lắng nghe những chia sẻ kiến thức từ cô Mai Hương – Cán bộ Y tế Nhà trường. Rất nhiều câu hỏi, vấn đề về nguyên nhân dịch bệnh, khác biệt giữa dịch bệnh, đại dịch, miễn dịch cộng đồng, nguyên lý và tác dụng của vaccine, cách bảo vệ bản thân trước dịch bệnh phổ biến đã được cô Mai Hương giải đáp cặn kẽ.
Cuối buổi báo cáo, các con vô cùng háo hức khi được cầm trên tay cuốn “Hộ chiếu vaccine”, tham quan các gian hàng và tham gia các hoạt động trải nghiệm: chế tạo máy bắt muỗi từ vỏ chai nhựa; pha dung dịch đuổi côn trùng, nước tẩy rửa sinh học bằng vỏ trái cây; lọc nước bằng cát sỏi – những hoạt động nhỏ nhưng có hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Không phải truyền thụ kiến thức một chiều, việc học tập thông qua dự án liên môn như “Dấu chân dịch bệnh” giúp các con học sinh tìm được điểm liên kết giữa các môn và vận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng của từng môn trong suốt quá trình thực hiện dự án. Quan trọng hơn cả, các con hiểu sâu sắc hơn trách nhiệm mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch bênh; trong việc thay đổi cách đối xử với mẹ thiên nhiên – ngôi nhà chung của toàn nhân loại.
“Việc học liên môn thực chất là đưa cho các con học sinh một câu hỏi lớn để trả lời. Từ việc giải quyết các câu hỏi nhỏ, các con sẽ trả lời được câu hỏi lớn. Điều khó khăn trong quá trình tổ chức là phải lựa chọn chủ đề gắn với thực tế cuộc sống, kết hợp kiến thức các môn học và phối hợp giáo viên ở các bộ môn khác nhau. May mắn là tại Greenfield School, các thầy cô luôn sẵn sàng hỗ trợ và cùng nhau xây dựng nên những tiết học thú vị cho các con” – Cô Vũ Hiếu, GV Sinh học chia sẻ.
Bạn cần hỗ trợ?
HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN