Học sinh Khối 6 về Cổ Loa, nghe chuyện xưa ở tòa thành cổ
20/03/2024
Bước ra từ sách giáo khoa, những bài học, kiến thức lịch sử của dân tộc trở nên sinh động, gần gũi hơn khi các con được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của các di tích trong quần thể di tích Cổ Loa.
Với cùng một “điểm chạm” trong chương trình của hai môn Lịch sử và Ngữ văn (Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc; thể loại truyền thuyết; các bài ca dao về địa danh nổi tiếng của đất nước…), các con học sinh Khối 6 đã có chuyến học tập, trải nghiệm tại Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) vào sáng nay (20/3/2024).
Tại đền thờ vua An Dương Vương (đền Thượng), thầy cô và các con cùng thực hiện Lễ Dâng hương tri ân các bậc tiền nhân có công dựng nước. Qua lời kể của các cô chú hướng dẫn viên, các con có dịp ôn lại những câu chuyện đời nối đời: “Thục phán An Dương Vương định đô xây thành”, “Chiếc nỏ thần Kim Quy”, chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy…
Bước ra từ sách giáo khoa, những bài học, kiến thức lịch sử của dân tộc trở nên sinh động, gần gũi hơn khi các con được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của các di tích trong quần thể: giếng Ngọc, đình Ngự Triều Di Quy, am thờ Mỵ Châu, chùa Bảo Sơn và ghé thăm Nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa để hiểu hơn về Khu di tích Quốc gia quan trọng này.
Không chỉ hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh của vùng đất hai lần là kinh đô, các con còn được tham gia hoạt động có một không hai: đóng oản xôi lá mít. Người dân nơi đây đã sử dụng gạo nếp được cấy trên cánh đồng làng Dục Tú, lá cây mít lâu năm được trồng trên các vòng thành Cổ Loa để tạo nên món ăn tinh hoa trường tồn cùng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cầm trên tay nắm xôi còn ấm nóng, các con hào hứng ấn vào khuôn rồi tỉ mẩn cắt lá mít, giấy màu trang trí. Những oản xôi các con đóng tuy còn vụng về, nhưng qua đó các con đã hiểu hơn quá trình làm ra những oản xôi ngọt lành, thơm dẻo; nguồn cội của cuộc sống thuở ban đầu gắn liền với nền văn minh lúa nước của các bậc tiên tổ.
Được tự mình khám phá, tận mắt quan sát và tận tay trải nghiệm, những kiến thức đến từ trang sách, bài giảng dần dần được khắc sâu hơn vào tâm trí các con học sinh. Chuyến đi cũng là cơ hội để các con có cái nhìn từ quá khứ tới hiện tại, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản của đất nước trong thời kì hội nhập, toàn cầu hoá.
Bạn cần hỗ trợ?
HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN