Tin tức
sự kiện

Học sinh Khối 7 tranh luận như chính trị gia tại hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc

11/05/2024

Lần đầu tiên, các con học sinh Khối 7 có dịp đóng vai đại biểu các quốc gia trên thế giới, cùng họp để tranh luận, tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội nhức nhối trên toàn cầu. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án liên môn Ngữ văn – Địa lý, được tổ chức dưới hình thức Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (Model United Nations - MUN).

Để chuẩn bị cho Hội nghị, các con học sinh đã có gần 3 tháng đào sâu nghiên cứu đặc điểm các quốc gia, khu vực trên thế giới; đưa ra bản tuyên cáo lập trường của quốc gia mình đại diện trong mối quan hệ chung với lợi ích quốc tế; tìm hiểu các nguyên tắc và nội dung của Hiến chương Liên Hợp Quốc; cách vận hành của Liên Hợp Quốc và từng Ủy ban đặc thù. 

Ngày 10/5 vừa qua, gần 300 các con học sinh Khối 7 đại diện cho 24 quốc gia đã trải qua 2 ngày họp căng thẳng tương đương với 5 phiên họp tại 2 Hội đồng: ECOSOC (Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc), UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) để thảo luận, tranh biện, tìm giải pháp xung quanh vấn đề khủng hoảng di cư và an ninh năng lượng.

Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc với sự tham gia của gần 300 con học sinh Khối 7

Dưới sự điều hành của các chủ tọa là các thầy cô, các đại biểu Khối 7 đã tự tin cất lên tiếng nói, trình bày quan điểm, lập trường, hướng đi của quốc gia mình đại diện. Rất nhiều ý kiến thuyết phục, lập luận sắc bén nhưng vẫn tuân thủ nghiêm nguyên tắc chung và các giá trị phổ quát trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được các đoàn đại biểu đưa ra.

Ở chủ đề an ninh năng lượng, đoàn đại biểu Qatar – 7G1 đã chứng minh sự cần thiết của cam kết chuyển đồi từ nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đoàn đại biểu Pakistan - 7A4 phân tích những tác động to lớn từ việc nguồn cung năng lượng không đảm bảo đến tình hình kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, Ả Rập - 7A5 thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng các số liệu kinh tế xã hội để chứng minh các quốc gia nên đóng góp vào quỹ chung của ECOSOC 2% GDP.

Ở chủ đề khủng hoảng di cư toàn cầu, đoàn đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ - 7A1 đưa ra lập luận về sự khác nhau giữa quy mô GDP của các nhóm quốc gia, từ đó đề xuất đóng góp xây dựng quỹ chung của UNHCR theo các nhóm nước phát triển và đang phát triển. Ý kiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự tán thành của Pháp – 7C1 và Canada – 7A3. Australia – 7A2 kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ tiếp nhận người tị nạn, đồng thời chung tay hỗ trợ phát triển kinh tế và giáo dục để giảm thiểu tình trạng di cư.

Khép lại các phiên thảo luận, Hội nghị đã đưa ra những hướng giải quyết khá thiết thực, nổi bật là các quốc gia cam kết sử dụng tối thiểu 10 – 15% nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu sử dụng năng lượng của mỗi quốc gia, cần có chính sách hỗ trợ người nhập cư, tị nạn từ các quốc gia khác và đóng góp 2% GDP vào quỹ UNHCR và ECOSOC để giải quyết các vấn đề chung. Cuối Hội nghị, các đoàn đại biểu đã nhất trí với bản Dự thảo Nghị quyết DR (Draft Resolution). 

Giải thưởng được trao cho những "đoàn đại biểu" xuất sắc

Sau GMUN, BTC đã trao giải cho các đoàn đại biểu xuất sắc nhất, đại biểu tiêu biểu, đại biểu danh dự, tuyên cáo xuất sắc và đại biểu có đóng góp tích cực cho Hội đồng. Hơn cả giải thưởng, giá trị lớn nhất mà các con học sinh nhận được sau GMUN chính là kiến thức, tư duy về các vấn đề toàn cầu. Các con cũng được bồi đắp thêm kỹ năng của công dân thế kỷ 21: tranh biện, đàm phán, lãnh đạo, giải quyết vấn đề…

 

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN