Kỷ luật tích cực: giáo dục hay trừng phạt?
12/08/2023
Đi tìm đáp án cho những câu hỏi này, giáo viên Greenfield School đã tham gia khóa học “Kỷ luật tích cực” (Positive Discipline in Everyday Life) do tổ chức Save the Children, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em, kênh truyền thông Mẹ lười tổ chức.
Chắc hẳn mỗi thầy cô giáo hay mỗi bậc làm cha mẹ đang đồng hành với sự lớn lên của con đều đã từng đặt câu hỏi:
Vì sao mỗi độ tuổi của các con lại có sự thay đổi lớn về cả sinh lí và tâm lí?
"Yêu cho roi cho vọt” có giúp trẻ tự giác và có chí tiến thủ hay chỉ tạo ra những hành vi phục tùng?
Con đường nào, cách yêu thương nào để cha mẹ, thầy cô “hội nhập” với sự thay đổi trong tư duy của các con thời 4.0?
Đi tìm đáp án cho những câu hỏi này, tôi cùng giáo viên Greenfield School đã tham gia khóa học “Kỷ luật tích cực” (Positive Discipline in Everyday Life) do tổ chức Save the Children, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em, kênh truyền thông Mẹ lười tổ chức. Sau khóa đào tạo, mỗi chúng tôi đều có niềm tin mình sẽ trở thành người cha, người mẹ tâm lí trong các hoạt động hàng ngày tại gia đình và hơn thế nữa, là người bạn lớn đồng hành với các con học sinh vượt qua những băn khoăn của tuổi học trò.
Vào buổi đầu tiên của khóa học, bằng trải nghiệm trong nhiều năm tổ chức giảng dạy học sinh, chúng tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi tới các hướng dẫn viên của PDEP. Đây đều là những vấn đề học búa, các “ca khó” mà thầy cô đôi khi vẫn còn trăn trở. Tại đây, mọi vấn đề và tình huống được tiếp cận một cách tích cực – tôn trọng – không phán xét và luôn bảo mật. Chúng tôi luôn cảm nhận được sự đồng điệu khi định hướng giáo dục tích cực của nhà trường được biểu hiện qua nhiều phương diện trong chương trình mà PDEP tổ chức.
Đối với chúng tôi, “Kỷ luật tích cực” (Positive Discipline) luôn tránh xa những biện pháp trừng phạt thân thể hay tinh thần của con, xoa dịu những mâu thuẫn (nếu có) giữa các con hay giữa con và cha mẹ. Và từ những sai lầm, con sẽ rút ra những bài học dù nhỏ để từng bước nâng cao sự tự tin và xây dựng bản sắc riêng khi trưởng thành.
Xin chia sẻ một số nội dung mà chúng tôi vô cùng ấn tượng trong khóa học với các Faci của chương trình, góp phần giúp cha mẹ nhìn vượt ra khỏi hành vi của con trẻ để chạm đến những suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu đằng sau các hành vi ấy:
Mỗi một độ tuổi khác nhau của các con đều có sự phát triển đặc trưng về sinh lí và cả tâm lí. Không chỉ khủng hoảng tuổi lên 3 hay tuổi dậy chúng ta mới bắt đầu xây dựng những “hợp đồng tôn trọng”, mà tài khoản tình cảm cũng như sự tôn trọng đều được xây nền tảng từ rất sớm.
Chúng tôi biết rằng mỗi con của chúng ta đều có khí chất riêng. Thật tuyệt nếu con có thể ngồi yên tĩnh, rất kiên trì hoặc có sự thích ứng tốt với các tình huống mới. Nhưng nếu con luôn luôn hoạt động, dễ mất hứng thú hay không thích thể hiện cảm xúc cũng không phải điều gì đáng phàn nàn bởi mỗi chiều cạnh của khí chất đều có lợi thế và bất lợi riêng. Và quan trọng, hiểu được sự kì diệu của nơ – ron thần kinh, chúng ta sẽ biết rằng các con đều tiềm tàng những năng lực tuyệt vời của một thiên tài.
Thật hữu ích khi hiểu được cơ chế của phản ứng “bật nắp” ở con trẻ và cách giúp con “đóng nắp”. Khi não tư duy và não cảm xúc không còn liên kết với nhau, chúng ta sẽ chỉ thấy một đứa con cáu kỉnh, một học sinh ngang ngạnh và cứng đầu. Nếu dùng bạo lực để giải quyết những tình huống đó, con có thể ngưng hành vi tạm thời nhưng chắc chắn ta sẽ mất thêm nhiều thời gian về sau để giải quyết những hậu quả lớn hơn đi kèm.
Hai công cụ ẤM ÁP (yêu thương) và CẤU TRÚC (sự hướng dẫn) trong từng độ tuổi khác nhau của các con chính là chìa khóa để thầy cô hiểu và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục các con. Chúng ta không thể chỉ lựa chọn những học sinh ngoan để dạy, mà chắc chắn, tình yêu thương bằng lời nói và hành động, môi trường giáo dục tôn trọng, cùng ngồi xuống giải quyết vấn đề sẽ là kim chỉ nam mà chúng tôi đã, đang và sẽ khắc ghi khi đồng hành với các con.
Một con bươm bướm ở Nam Mỹ vỗ cánh có thể tạo ra một cơn bão ở Bắc Mỹ. Mỗi trải nghiệm của con trẻ thuở thiếu thời đều không phải "chuyện nhỏ". Kết thúc 8 buổi trải nghiệm chương trình PDEP, chúng tôi tin rằng những ý tưởng tích cực của chương trình sẽ là niềm cảm hứng để chúng tôi tổ chức những hoạt động thú vị tại lớp học, xây dựng kĩ năng và sự tự tin cho các con; giáo dục và định hướng các con bằng phương pháp mà các con chúng ta sẵn lòng tiếp nhận. Từ đó, các con sẽ lớn lên với niềm tin tốt đẹp hơn về bản thân, trở thành những “cánh bướm” lan tỏa hiệu ứng tích cực, nhân văn tới cộng đồng.
(Cô Đoàn Thành, Giáo viên Ngữ Văn THCS)
Bạn cần hỗ trợ?
HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN