Tin tức
sự kiện

Lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh bằng hành trình đọc và sáng tạo trong môn Ngữ Văn

25/11/2024

Trong thời kì mạng xã hội phát triển, đi cùng với đó là nhiều hình thức giải trí, thư giãn xuất hiện, làm thế nào để hình thành sự yêu thích và thói quen đọc sách cho các con học sinh?

“Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh” 

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Đọc và cảm nhận về một pho sách hay, khiến ta nghiền ngẫm không rời mắt được là một niềm vui tao nhã về tinh thần của ông cha ta. Đến thế hệ các bạn học sinh ngày nay, “niềm vui” ấy vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, đọc đi liền với sáng tạo còn là hành trình đầy thú vị đối với các con học sinh Greenfield School.

Hình thành thói quen đọc sách ở học sinh 

Đọc sách giúp học sinh phát triển vốn từ, trau dồi văn hóa và đồng thời cũng tiếp thu tư tưởng, quan điểm của các tác giả trong nhiều thời kì khác nhau. Có sách làm bạn đồng hành, các con sẽ có một cuộc trải nghiệm thú vị qua nhiều câu chuyện nhỏ, gặp gỡ những cuộc đời khác nhau để rồi hình thành sự đồng cảm, sẻ chia và yêu thương những điều tốt đẹp xung quanh. Chưa dừng lại ở đó, các con sẽ rèn luyện cho bản thân cách phân biệt đúng sai, tư duy phán đoán và phản biện thông qua việc đối thoại với những tình huống đặt ra trong sách. Không chỉ mang đến khoảng thời gian thư giãn cho nhiều con học sinh, đọc sách còn giúp các con phát triển kỹ năng viết lách. Với ý nghĩa tuyệt vời đó, đọc sách được thầy cô định hướng cho các con như một thói quen thực hành đều đặn, đặc biệt là trong bộ môn Ngữ Văn.

Sách là kho tri thức vô hạn giúp các con học sinh mở rộng hiểu biết về mọi mặt, là người bạn đồng hành giúp các con tích lũy được nhiều kiến thức và vốn sống bổ ích.

Trong thời kì mạng xã hội phát triển, đi cùng với đó là nhiều hình thức giải trí, thư giãn xuất hiện, làm thế nào để hình thành sự yêu thích và thói quen đọc sách cho các con? Trong chương trình học tập của Nhà trường, để khơi gợi hứng thú đọc sách cho các con, thầy cô đã xây dựng cho mỗi khối lớp một danh mục những đầu sách với tiêu chí như: phù hợp lứa tuổi, sở thích của học sinh; nội dung đa dạng; thông điệp nhân văn; cách trình bày hấp dẫn; bổ trợ cho quá trình đọc hiểu các thể loại trong SGK… Độ phức tạp, dung lượng của sách cũng tăng dần ở mỗi khối. 

Những đầu sách hay, bổ trợ cho quá trình đọc hiểu các thể loại trong SGK được thầy cô giới thiệu tới các con học sinh

Để việc đọc sách liền mạch và hiệu quả, các con bắt đầu bằng việc đặt mục tiêu đọc sách, sau đó sẽ đọc cá nhân trên lớp học hoặc ở nhà. Để theo dõi tiến độ đọc, mỗi con học sinh sẽ sử dụng các hình thức khác nhau như Checklist hay Bingo đọc sách. Mỗi lần hoàn thành cuốn sách, các con sẽ đánh dấu vào bảng Bingo của mình. Bên cạnh đó, qua hoạt động “Đôi bạn cùng đọc” và “Ngày hội đổi sách”, các con cùng bạn bè trao đổi những đầu sách hay và thích thú vì luôn được “làm mới” tủ sách của mình.

Những giờ đọc sách mở ra cho các con những trải nghiệm mới mẻ và kiến thức bổ ích

Thấu hiểu sách qua hình thức triển khai sáng tạo

Làm thế nào để các con thấu hiểu cuốn sách một cách tường tận, sâu sắc? Sau quá trình đọc, mỗi con học sinh đều có bài thu hoạch cá nhân với nhiều hình thức khác nhau và cấp độ nâng cao từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Thầy cô và các bạn vô cùng ấn tượng với nhiều sản phẩm thu hoạch sáng tạo như tranh vẽ lấy cảm hứng từ câu chuyện, sơ đồ tư duy tóm tắt truyện, hồ sơ nhân vật, bookmark chứa những câu nói đặc sắc trong tác phẩm, bìa sách mới cho tập truyện… đến cuộc đối thoại giả định với tác giả để lí giải chi tiết trong truyện hay sáng tạo kết thúc khác cho truyện.

Sau khi đọc xong mỗi cuốn sách, các con dành thời gian tự sáng tạo những sản phẩm của riêng mình để thêm thấu hiểu về tác phẩm

Kết lại hành trình đọc và trải nghiệm sau mỗi cuốn sách, thầy cô và các con tổ chức thu hoạch sản phẩm với những hình thức sáng tạo. Ở Khối 6 - 7, trong học kỳ I, các con được khuyến khích đọc nhiều đầu sách khác nhau. Sau khi hoàn thành mỗi cuốn, các con sẽ trao đổi sách theo tháng để hành trình đọc của mình phong phú hơn. Mỗi tuần, các con có một tiết đọc sách với các hình thức thu hoạch đa dạng như: trả lời câu hỏi trắc nghiệm; sáng tạo các sản phẩm thú vị như thiết kế bìa sách, chuyển thể một chương thành truyện tranh song ngữ, xây dựng hồ sơ nhân vật. Qua các hoạt động thu hoạch này, các con không chỉ rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và tư duy phản biện mà còn lan tỏa thói quen đọc sách trong lớp học.

Trích đoạn ngắn trong tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" được các con học sinh chuyển thể thành truyện tranh

Đối với các con học sinh Khối 8 - 9, những tiết báo cáo chuyên sâu về cuốn sách do chính các con tổ chức với mục đích đàm thoại về một hoặc nhiều khía cạnh đặc sắc của tác phẩm. Đây là cơ hội để các con chia sẻ, thảo luận về những hiểu biết, cảm nhận và quan điểm của mình về những gì đã đọc. Hình ảnh đẹp về các cuốn sách được các con truyền tải bằng những trò chơi thú vị; những phần diễn xuất công phu, hài hước hay phần tọa đàm tâm huyết, sâu lắng. Đồng thời, các con có cơ hội thể hiện khả năng thuyết trình, hùng biện và tranh biện một cách tự tin, ấn tượng. 

Những cuộc thảo luận, chia sẻ về quan điểm, cảm nhận của bản thân sau khi đọc xong giúp các con có thêm góc nhìn mới về tác phẩm

Qua các hoạt động đọc sách và trải nghiệm trong học kì I, thầy cô tin rằng các con học sinh đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tiếp thêm động lực để các con tiếp tục khám phá và chinh phục những cuốn sách tiếp theo trong năm học này.

(Bài viết được thực hiện bởi cô Đoàn Thị Thành - Giáo viên Ngữ văn Greenfield School)

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN