Nghề giáo và những hạnh phúc giản đơn
19/11/2023
Nghề giáo là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Nhưng không giống bao nghề khác, nghề giáo có những niềm vui, niềm hạnh phúc dù đơn sơ, mộc mạc, thậm chí lạc lõng giữa thời hiện đại, nhưng ngần ấy thôi cũng đã đủ đầy, xúc động.
“Nếu được chọn lại nghề, cũng chỉ chọn nghề giáo”
Khi thế hệ trẻ yêu thích những công việc sôi nổi, năng động, thì việc đi ngược dòng số đông chọn một công việc có phần nghiêm túc, khuôn mẫu, đâu mới là lý do thực sự? Thay vì mất vài ba phút suy nghĩ, cô Nguyễn Thu Thảo (GV Ngữ văn - Greenfield School) không ngần ngại, ngay lập tức đưa ra câu trả lời chắc nịch: "Làm giáo viên là cơ duyên mà ông trời đã trao tặng. Nếu được chọn lại nghề, mình cũng chỉ chọn nghề giáo".
Ít ai biết rằng, nghề giáo không phải là lựa chọn ban đầu của cô Thảo. Trước khi thi vào ngành Sư phạm Ngữ văn, cô Thảo từng là học sinh theo học khối Tự nhiên với mong muốn học trường Y để trở thành bác sĩ. Nhưng vì một vài biến cố gia đình và dưới sự khuyến khích của mẹ, cô Thảo rẽ hướng “bén duyên” với nghề giáo.
Mẹ của cô Thảo từng là giáo viên mầm non 10 năm. Để nối nghiệp làm gốm truyền thống của gia đình, bà đành gác lại công việc đứng lớp. Nhiều năm trôi qua, bà vẫn hay kể những kỷ niệm thời đi dạy. Những câu chuyện đó chẳng biết tự bao giờ đã nhen nhóm sự hiếu kỳ về nghề giáo và tiếp thêm động lực để cô Thảo viết tiếp những ước mơ, những tâm huyết dang dở của mẹ mình.
Và rồi, như “duyên tiền định”, gần 10 năm qua, cô Thảo đã gắn bó với nghề “bụi phấn bám đầy tay”. Theo thời gian, mọi thứ giúp cô trưởng thành hơn, vững vàng hơn và càng khiến cô tin tưởng vào lựa chọn của mình. Cô tâm sự: “Bây giờ, lúc nào mình cũng muốn vào lớp, muốn gặp gỡ các con học sinh”.
Đối với cô Thảo, giáo viên phải là người truyền lửa và “cao” hơn học sinh một cái đầu. “Chỉ có những giáo viên hạnh phúc mới tạo nên những bài giảng tích cực nhất. Để làm điều đó, bản thân giáo viên cũng phải học trước. Bởi vì giáo viên lúc nào cũng phải “cao” hơn học sinh một cái đầu. Mình phải tốt, phải giỏi thì mới có “uy” để dạy dỗ các con”.
Cũng chính với tinh thần học hỏi không ngừng ấy, năm học 2019 - 2020, khi Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông cốt cán để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Thảo đã trở thành 1 trong 800 giáo viên cốt cán đến từ 6 tỉnh được Sở GD&ĐT cử tham gia tập huấn tại TP. Phủ Lý (Hà Nam).
Khi đó, cô Thảo đang mang thai tới tháng thứ 9 và cận kề ngày sinh. “Gia đình mình ai cũng lo lắng khuyên can, nhưng mình vẫn quyết khăn gói, mang theo cả đồ đi sinh tham gia tập huấn. Đó là bởi mình không muốn bỏ lỡ cơ hội được tìm hiểu, tiếp thu đúng tinh thần chương trình sách giáo khoa mới, làm chủ tri thức, vững vàng phương pháp giúp học sinh học tốt”.
Từ năm 2019 đến nay, trải qua nhiều đợt tập huấn dài ngày, dù bận rộn việc gia đình, con nhỏ, cô Thảo vẫn miệt mài thức khuya dậy sớm với hành trình “học chữ”. “Khó khăn, thách thức chỉ là vấn đề trước mắt. Ai rồi cũng sẽ quen, sẽ thấy mọi thứ bình thường. Bận rộn, vất vả nhưng tụi mình vẫn cười, vẫn vui. Đi qua rồi, nhìn lại sẽ thấy những gian khó cũng chỉ là trải nghiệm giúp mình thêm vững bước”.
Những hạnh phúc giản đơn
Trái với định kiến của nhiều người nhìn nghề giáo có phần đơn điệu, khuôn mẫu, cô Thảo cho rằng công việc này luôn có “đất” để sáng tạo. “Nhiều người nói học sinh không mặn mà với Ngữ văn, các con viết những bài văn không cảm xúc. Mình nghĩ giáo viên phải là người mang đến điều đó cho các con học sinh. Giáo viên không chỉ cần có chuyên môn vững vàng mà phải có sự đam mê, yêu thích và có cả kỹ năng đứng lớp. Với từng đối tượng học sinh, giáo viên phải có kỹ năng xử lý riêng để phù hợp”.
Một trong những cách làm của cô Thảo là đem những câu chuyện đời thường lồng vào những bài giảng hay đa dạng hóa cách thức tổ chức lớp học như cho học sinh thuyết trình, chơi trò chơi, đóng kịch, triển lãm, tranh biện, tọa đàm… Và một cách khơi gợi cảm xúc đặc biệt khác của cô Thảo là truyền cảm hứng, tạo động lực cho các con học sinh đúng lúc, đúng cách, giúp con tự tin hơn vào bản thân mình.
Cô Thảo kể: “Mình nhớ mãi một con học sinh trong lớp phụ đạo mình phụ trách. Bài kiểm tra đầu năm con chỉ được 3,5 điểm. Với các bạn lớp phụ đạo, mình không đặt tiêu chuẩn quá cao, dạy vừa đủ theo nhu cầu học sinh. Các con viết chưa cần hay, chỉ cần viết đúng. Mỗi lần con làm đúng, mình đều khen ngợi, động viên. Con phấn khởi làm thêm những bài khác, rồi cứ thế tăng dần lên.
Cuối học kỳ, điểm thi của con có sự tiến bộ rõ rệt. Hôm biết điểm thi là một ngày trời mưa, mình đứng lối bên này sân giọt nước, con đứng lối bên kia. Con gọi to tên mình rồi chạy hớt hải đến chỗ mình mừng rỡ khoe con đươc 7,75 điểm môn Văn. Số điểm ấy với nhiều con học sinh có thể không quá khó để đạt được, nhưng với con đó là cả kỳ tích. Chứng kiến sự thay đổi tích cực ở các con học sinh, mình nghĩ đó là niềm hạnh phúc vô bờ với người làm nghề giáo”.
Gần 10 năm cô Thảo gắn bó với nghề là hàng ngàn con học sinh được cô Thảo dìu dắt dạy dỗ. Thế hệ trước, thế hệ sau, lớp lớp học sinh chuyển cấp, ra trường, trưởng thành. Và những niềm hạnh phúc, những niềm vui của nghề dạy học cứ thế đều đặn tiếp nối nhau qua mỗi năm. Dẫu cho niềm hạnh phúc, niềm vui có đơn sơ, mộc mạc, thậm chí lạc lõng giữa thời hiện đại, nhưng ngần ấy thôi cũng đủ đầy, xúc động.
Đến với nghề vì cái “duyên” và sống với nghề bằng tình yêu thương, lửa nhiệt huyết. Chọn nghề giáo tức là đã chọn cho mình con đường đi đến chân lý, con đường đi đến sự hoàn thiện. “Mình luôn nhìn về mặt tích cực và đặt trọn niềm tin vào các con học sinh. Mình tin một con học sinh của mình sẽ đạt được thành tích cao trong học tập, một con khác sẽ làm văn hay hơn; và với một con chưa ngoan, mình tin có lúc con sẽ thay đổi. Chỉ cần tin vào những điều tích cực, những điều tốt đẹp rồi cũng sẽ đến, và cuối cùng thì hoa cũng sẽ nở…”
Những nỗ lực, kiên trì của cô Thảo cùng đồng nghiệp tuy nhỏ bé hằng ngày và bình thường, nhưng đã và đang góp phần làm thế giới thay đổi theo hướng tích cực hơn. Và biết đâu đấy, người viết bài tự hỏi giữa những quãng nghỉ hiếm hoi của một ngày làm việc dày đặc, cô có đang nghe một bài hát thật chill:
Em có từng mơ, mơ những giấc, giấc xanh tươi
Khi kim đồng hồ ngưng, ở bốn giờ hai mươi
Soi qua làn khói em soi rõ tim người
Không biết nói câu gì chỉ biết ngồi hát xong cười…
Bạn cần hỗ trợ?
HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN