Tin tức
sự kiện

Từ Thạc sĩ tốt nghiệp trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc đến Giáo viên dạy STEAM

04/07/2024

Tốt nghiệp Thạc sĩ Kỹ thuật Đại học Chung Ang - một trong những trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc, từng nhận được lời mời làm việc tại một trong những Tập đoàn Viễn thông hàng đầu cả nước, cô Nguyễn Phượng cuối cùng quyết định trở thành Giáo viên STEAM tại GFS.

Những ngày hè bộn bề với công việc soạn giáo án, tập huấn, sắp xếp trang thiết bị là lý do khiến buổi hẹn gặp cô Phượng (Trưởng Nhóm STEAM) không hề dễ dàng. Sau nhiều lần trì hoãn, thật may, cô Phượng đã đồng ý sắp xếp cho ekip một buổi chiều hiếm hoi trong tuần.

Trong “không gian sáng chế” rộng chừng hơn 100m2 với đủ thứ mô hình, máy móc, trang thiết bị dạy học, cô giáo với dáng người nhỏ bé xuất hiện nhưng luôn tràn đầy một nguồn năng lượng trong trẻo, dồi dào. Gác lại công việc, buổi phỏng vấn diễn ra đơn giản như một cuộc trò chuyện thân mật.

Đam mê Khoa học – Kỹ thuật

Nếu nhắc đến cô Phượng, thầy cô và các con học sinh tại Greenfield School sẽ nói nhiều đến cô Phượng STEAM – tên gọi gắn với môn học mà cô giảng dạy. Hơn chục năm trước, giống như những học sinh ở vùng nông thôn, giáo dục STEAM với cô Phượng là điều vô cùng mới lạ.

Dù chưa định hình về STEAM nhưng cô Phượng nhận thấy bản thân có thiên hướng về lĩnh vực khoa học tự nhiên, luôn có ý thích tìm hiểu về thế giới xung quanh, về thế giới Vật lý với nhiều hiện tượng thú vị. Định hướng này càng được khẳng định khi cô Phượng thường xuyên góp mặt trong đội tuyển Vật lý của trường và đạt nhiều thành tích cao trong các Kỳ thi học sinh giỏi.

Tốt nghiệp THPT, cô Phượng lựa chọn học tập tại Khoa Sư phạm Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội. Song song với việc học tập trên giảng đường, cô Phượng say mê tham gia những dự án nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu về siêu tụ điện. Chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng những giải thưởng đã đạt được là bệ phóng giúp cô giáo trẻ chinh phục học bổng CAYSS (học bổng bậc Thạc sĩ dành cho các nhà khoa học trẻ) của Đại học Chung Ang – một trong những trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc.


Theo đuổi ngành Kỹ thuật, cô Phượng cho rằng Kỹ thuật là ngành đào tạo khó, yêu cầu sinh viên có kiến thức tự nhiên vững vàng, có đam mê và một nền tảng sức khỏe tốt để có thể hấp thụ và sáng tạo một lượng kiến thức khá lớn.

Cô tâm sự: “Khi thế giới ngày càng phát triển, định kiến giới đã dần được xóa nhòa. Không phải chỉ có nam giới mới đủ năng lực, điều kiện sức khỏe để nghiên cứu. Nữ giới cũng có thể đi từng bước để kiến tạo nên thành tựu của riêng mình.

Những người phụ nữ tuyệt vời thành công trong các lĩnh vực khoa học trên thế giới ngày càng nhiều, trong đó có cả những người mình may mắn được gặp gỡ, học hỏi đã truyền cho mình thêm động lực phấn đấu”.

“Bước ngoặt” với STEAM

Hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Chung Ang, cô Phượng nhận được lời mời làm việc tại một trong những Tập đoàn Viễn thông lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, cô Phượng quyết định “rẽ hướng” gắn bó với nghề dạy học. “Có nhiều lý do để mình làm điều này. Một phần vì lúc đó mình bận con nhỏ, một phần vì mình nghĩ lý do mình chọn học Sư phạm ngày xưa như thế nào thì chính là lý do đang gắn mình với ngày hôm nay”.

Lựa chọn của cô Phượng có ảnh hưởng lớn từ mẹ. Mẹ cô Phượng vốn là giáo viên mầm non ở Quốc Oai (Hà Nội). Đồng lương nghề giáo ít ỏi và bận rộn chăm sóc các con, bà quyết định nghỉ việc. Theo cô Phượng, quyết định đó khiến bà tiếc nuối. Nhiều năm trôi qua, bà vẫn hay kể về những kỷ niệm thời đi dạy và định hướng cô Phượng theo đuổi nghề giáo, tiếp nối một phần ước mơ dang dở ngày trước của bà.

Năm 2022, bước ngoặt lớn đối với cô Phượng khi cô tình cờ biết đến thông tin tuyển dụng Giáo viên STEAM tại Greenfield School. Cô hăm hở đăng ký mà không ngờ rằng đây sẽ là công việc thay đổi toàn bộ tầm nhìn giáo dục của bản thân. Là một trong những trường học tiên phong đưa STEAM vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, theo cô Phượng, các con học sinh ở Greenfield School có nhiều lợi thế.

Cô Phượng chia sẻ: “Nếu như thời của mình học sinh có nhiều thiệt thòi bởi không có điều kiện đầy đủ học tập thì tại Greenfield School, các con được học trong điều kiện tốt, cơ sở vật chất, phòng học hiện đại hơn. Chương trình STEAM của Greenfield School được xây dựng dựa trên giáo trình Engineering is Elementary của Hoa Kỳ, do đó các con có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức cập nhật nhất”.

Được đào tạo bài bản về giáo dục STEAM qua các khóa học quốc tế, cô Phượng luôn ý thức việc lắng nghe và trau dồi kiến thức sát với hoàn cảnh thực tiễn. Trong vai trò Trưởng Nhóm STEAM tại Greenfield School, cô Phượng đã có những đóng góp đáng kể cho chương trình STEAM trong thời gian qua. Những bài học STEAM không tốn kém nhưng vui nhộn và hiệu quả đã truyền cảm hứng đến các con học sinh và chính bản thân cô Phượng.

“Các bài học STEAM được nhóm giáo viên STEAM thiết kế theo tiêu chí không ranh giới: không giới hạn khối lớp, không giới hạn môn học, không giới hạn trong 4 bức tường nhằm rèn luyện tinh thần khoa học. Các con học sinh được tham gia các dự án nhỏ như làm cầu gỗ, xe thế năng, nhà chống bão, tên lửa nước, xử lý dầu tràn... Những dự án này đỏi hỏi các con học sinh phải vận dụng kiến thức tích hợp để giải quyết, các con không học vẹt mà hiểu bản chất sâu vấn đề”, cô Phượng hào hứng chia sẻ.

Không ngừng sáng tạo

Nếu có dịp ghé thăm Greenfield School, không khó để bắt gặp một nhóm các con học sinh đang xúm lại thử nghiệm các mô hình ở một góc nào đó trong sân trường. Bài học của cô Phượng nhẹ nhàng, sinh động và thú vị khiến học sinh đi hết từ tò mò này đến tò mò khác. Đáng nói là học liệu sử dụng cho các giờ học lại vô cùng đơn giản: bìa các tông, ít que gỗ, vài chai nhựa…, nhưng đằng sau luôn có những câu chuyện lớp lang và kiến thức hữu ích.  

Hào hứng là vậy nhưng bài toán làm sao để học sinh đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê với khoa học – kỹ thuật vẫn luôn đặt trên vai cô giáo trẻ. “Dạy học không chỉ cần bê nguyên kiến thức vào dạy là được. STEAM đóng vai trò quan trọng và là đòn bẩy để chúng ta vươn lên những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng với các con học sinh, các môn học tự nhiên vẫn là thách thức.

Có những ý tưởng không phải học trò nào cũng dễ dàng tiếp cận. Có những trang giáo án sửa đi sửa lại nhiều lần. Người ta hay nói đến quy tắc 80-20, 80% nỗ lực và 20% tri thức. Nhưng đối với mình thì sẽ đổi thành 80% tâm lý các con và 20% còn lại là sự nỗ lực không ngừng. Mình không mong đợi các con sẽ trở thành những nhà khoa học tài giỏi mà muốn các con hiểu tầm quan trọng của khoa học – kỹ thuật và tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho các con. Mình và các giáo viên khác vẫn đang nỗ lực vì sự phát triển của giáo dục STEAM”, cô Phượng tâm sự.

Khép lại cuộc trò chuyện, chúng tôi chào tạm biệt cô Phượng vừa lúc trời xẩm tối. Phía xa dãy nhà, lớp học vẫn thấp thoáng bóng dáng một cô giáo lụi cụi sắp xếp trang thiết bị. Bất giác, chúng tôi nhận ra, đối với giáo dục, nhất định phải có lòng yêu nghề, nếu không, không nên thử theo đuổi sự nghiệp này. Chúng tôi ghi lại câu chuyện đẹp đẽ này để biết rằng việc dạy – học có thể trở nên thú vị và sáng tạo đến nhường nào. Từ trong lòng, chúng tôi thành tâm mong ước mơ của cô giáo STEAM sẽ thành hiện thực…

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN