Tin tức
sự kiện

“Dạy học như gieo một hạt giống. Trồng một cây xanh, ta có một mầm hạnh phúc”

21/05/2021

Đó là chia sẻ từ cô Maria Cravioto – Giáo viên bộ môn TOK – Hệ Song ngữ Công dân toàn cầu tại Greenfield School khi chia sẻ về công việc giảng dạy của mình. Hành trình đến với TOK, đến với các con học sinh của cô Maria bắt nguồn từ ước mơ tạo ra sự thay đổi, giúp các con học sinh chạm tay ra bên ngoài thế giới. Nhưng cô không nhận mình là anh hùng, vì đôi khi những điều lớn lao không đến từ năng lực siêu nhiên…

Nhiều người thường thắc mắc, đối với giáo viên nước ngoài, đâu là lý do thực sự khiến họ gắn bó với việc giảng dạy ở Việt Nam? Với cô Maria, lựa chọn công việc giảng dạy là một quyết định táo bạo nhưng bắt nguồn từ chính niềm đam mê được làm các công việc liên quan đến trẻ em.  

Trước khi đến Việt Nam, với nền tảng chuyên môn về tâm lý học, cô Maria đã từng làm cố vấn trong một tổ chức phi chính phủ và giáo viên bán thời gian. Khi đến Việt Nam vào 4 năm trước, cô Maria bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Anh toàn thời gian và ngay lập tức yêu thích công việc này. Vì thế, mặc dù lúc đó cô Maria nhận được lời mời làm cố vấn trong một bệnh viện lớn với mức lương khá hấp dẫn, cô vẫn từ chối và chọn công việc giảng dạy.

Làm giáo viên vốn đã khó, làm giáo viên ở một đất nước mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính còn khó hơn. “Khi tôi giảng dạy ở Mexico – quê hương tôi, chúng tôi dùng chung một ngôn ngữ. Vì thế, tôi có thể dễ dàng hiểu các con học sinh, đặc biệt là khi chúng thảo luận trong lớp. Thế nhưng khi giảng dạy ở đây, thách thức lớn nhất chính là rào cản ngôn ngữ cũng như sự khác biệt về văn hóa. Khi bạn không hiểu những người xung quanh đang nói gì, bạn có thể bỏ lỡ nhiều thứ quan trọng trong các cuộc trò chuyện”.

Thách thức là vậy nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, mỗi thách thức cũng chính là một cơ hội tiềm ẩn. “Là người nước ngoài khiến tôi cảm thấy mình thu hút được sự chú ý của bọn trẻ hơn. Đó là lý do tại sao tôi hay nhận được rất nhiều câu hỏi như: Cô đến từ đâu? Cô bao nhiêu tuổi? Cô đã lập gia đình chưa?… Những câu hỏi ấy tôi sẽ không bao giờ nhận được khi ở Mexico. Do đó, là giáo viên nước ngoài là một thách thức nhưng cũng đem đến cho tôi lợi thế lớn khi nhận được rất nhiều sự quan tâm và hào hứng từ các con học sinh”.

Sau 4 năm giảng dạy tiếng Anh, cô Maria nhận ra rằng làm giáo viên vẫn là công việc cô muốn gắn bó, nhưng giảng dạy tiếng Anh không thực sự phù hợp với mình. 

“Khi dạy tiếng Anh, tôi thấy rất vui nhưng thú thực tôi vẫn cảm thấy mình chưa có nhiều cơ hội để chia sẻ với học sinh những chủ đề thú vị và phù hợp. Với nền tảng và kinh nghiệm về tâm lý học, tôi mong muốn không chỉ dừng lại ở việc truyền tải cho học sinh kiến thức học thuật đơn thuần, mà còn hi vọng có thể trang bị cho các con những kỹ năng cần thiết để trở thành những công dân toàn cầu và có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới”.

Một bước ngoặt lớn đến với cô Maria khi cô nhận được lời mời phát triển và giảng dạy bộ môn TOK (Tư duy phản biện) trong chương trình Song ngữ Công dân toàn cầu tại Greenfield School. “Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về những gì mình muốn làm và những gì mình có thể làm. Ý tưởng Hệ Song ngữ Công dân toàn cầu xuất phát từ việc chúng tôi muốn phát triển thế hệ công dân hiểu và tôn trọng các nền văn hóa, có kỹ năng tư duy đa chiều, phân tích vấn đề cặn kẽ trên nhiều quan điểm khác nhau”.

Thực tế, TOK không phải là một môn học mới. Đây là môn học bắt buộc của Chương trình tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate). “Ở Greenfield School, TOK là sự kết hợp các kỹ năng sống với kiến thức học thuật. Học sinh sẽ được lựa chọn khám phá các tình huống khác nhau từ gia đình, bạn bè cho đến lòng tự tôn, sự bền vững… Từ các chủ đề liên quan đến đời sống, học sinh sẽ đặt ra các câu hỏi để khám phá những kiến thức đó. Chẳng hạn, với chủ đề Cơ thể con người ở chương trình học lớp 1, các con học sinh sẽ tìm hiểu các bộ phận, cơ quan trong cơ thể người. Từ đó, các con lý giải tại sao phải rửa tay trước khi ăn, tại sao phải vệ sinh cá nhân hàng ngày?… ”.

Những điều mới mẻ thường đi kèm với thách thức. Việc giảng dạy TOK cũng không phải ngoại lệ. Cô Maria có năng lực, có ý tưởng nhưng không phải học trò nào cũng dễ dàng tiếp cận. Thậm chí, những ngày đầu giảng dạy, có phụ huynh còn viết email cho cô Maria bày tỏ sự lo lắng vì không hiểu nội dung môn học và gặp khó khăn khi hỗ trợ con học ở nhà.

 

Trước thử thách của nghề giáo, cô Maria đã chọn cách đối mặt thay vì từ bỏ. “Tôi không phải là siêu anh hùng, thế nên cũng có lúc tôi cảm thấy thật tồi tệ và muốn từ bỏ. Ở thời điểm đó, tôi đã tự nhủ với bản thân rằng, nếu tôi bỏ cuộc, tôi sẽ đi ngược lại với những gì mà mình đang giảng dạy. Sau cùng, tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm với các con học sinh và cần tìm giải pháp để vượt qua chướng ngại vật đó. Tôi muốn mình là tấm gương để học sinh noi theo vì các con học sinh sẽ học từ những gì các con thấy, không phải từ những gì các con được dạy”.

Thấu hiểu những khó khăn mà học sinh gặp phải, tất cả phương pháp dạy học cũng như ý tưởng dạy học của cô Maria đều xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân. “Nội dung và chủ đề trong môn TOK không phải lúc nào cũng dễ hiểu, nhưng tôi luôn cố gắng truyền tải kiến thức đó cho các con học sinh bằng cách nghĩ lại những ngày còn nhỏ, tôi đã học hỏi và tiếp thu kiến thức như thế nào. Vì vậy, tôi thường tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi trong lớp để khuyến khích các con học tập.

Ở Greenfield School tôi có mối liên hệ sâu sắc với các con học sinh vì chúng tôi có thời gian. 3 tiết/ tuần không phải là nhiều nhưng chúng tôi đã sử dụng chúng một cách hiệu quả. Thời gian ấy là cơ hội để tôi giúp các con thay đổi cuộc sống của mình, hoặc thậm chí chỉ là thay đổi một ngày của các con bằng cách tạo không gian để các con cảm thấy an toàn và được thấu hiểu. TOK đã tạo một mối liên kết sâu sắc và nó khiến tôi nhớ lại công việc cố vấn trước đây của mình”.

Cùng với việc thay đổi phương pháp dạy học, cô Maria cũng cởi mở việc giao tiếp với phụ huynh để thấu hiểu hơn nguyện vọng, tâm tư của họ. Giảng dạy một thời gian ở Việt Nam, cô Maria nhận ra rằng các con học sinh đã quen với phương pháp học thuộc lòng và làm các bài kiểm tra. Nếu học sinh đạt điểm cao, các bậc phụ huynh sẽ nghĩ học sinh đó đang học giỏi, học tốt. Nhưng TOK thì không giống vậy.

“TOK có những khía cạnh mà chúng ta không thể đo lường được. Tất nhiên, môn học cũng có phần lý thuyết và các bài kiểm tra để đánh giá khả năng của học sinh. Nhưng cùng với đó, tôi cũng đưa ra một số nhiệm vụ nhất định để các con học sinh thể hiện sự tiến bộ của mình và vận dụng kiến thức theo cách tương tác hơn. Tôi cũng hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ các con khi cần thiết. Chỉ cần chú ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, các bậc phụ huynh có thể khuyến khích con phát triển tư duy phản biện và tự ra quyết định. Học theo cách này, các con học sinh không hề nghĩ mình đang học nhưng thực tế các con đã học được rất nhiều thứ”.

 

Đến nay, sau gần một năm với những thử thách không hề dễ dàng, các con học sinh đã tích cực, hào hứng hơn với môn học. Các con chủ động đặt câu hỏi khi các con thắc mắc về một vấn đề và cũng mạnh dạn tham gia các hoạt động. “Sẽ mất khá nhiều thời gian để đạt được những gì mà chúng tôi mong muốn nhưng dạy học cũng như gieo một hạt giống. Trồng một cây xanh, ta có một mầm hạnh phúc. Chỉ cần học sinh thích thú với bài dạy của mình, chỉ cần thấy được nụ cười của học sinh, đối với tôi không có hạnh phúc nào hơn thế!” – Cô Maria nói.

Chia sẻ về dự định với sự nghiệp giáo dục, cô Maria không chắc mình sẽ theo đuổi công việc giảng dạy suốt đời hay không vì tương lai luôn chứa đựng những điều bất ngờ. Nhưng có hai điều cô Maria chắc chắn, đó là mình rất yêu học sinh và mong muốn làm những công việc liên quan đến học sinh.

Với cô Maria, để trở thành người giáo viên tốt, kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ, giáo viên cần phải là người bạn lớn của học sinh. Khi hiểu được tâm tư của các con, giáo viên sẽ nhìn ra được ưu điểm để khích lệ các con thay đổi theo chiều hướng tích cực. 

“Các con học sinh lớp 1 thường cảm thấy dễ dàng hơn khi nói thẳng những gì các con cần: “Con cần cái này, con cần cái kia”, “Cô giúp con”. Nhưng với các con học sinh lớp 6, không phải lúc nào các con cũng có thể bày tỏ cảm xúc của mình hay yêu cầu những gì các con muốn. Dù vậy, tôi nghĩ rằng ở độ tuổi nào thì sau cùng các con vẫn là học sinh, các con vẫn cần tình yêu thương và cần người lớn quan tâm đến mình. Điều chúng ta cần làm là học cách hiểu những thông điệp mà các con gửi gắm. 

Bây giờ, các con học sinh cởi mở và chia sẻ với tôi nhiều hơn về chuyện bạn bè, gia đình – những điều mà chúng ta nghĩ là trẻ con, nhỏ nhặt. Nhưng với tôi, đó chắc chắn là điều hạnh phúc nhất tôi có khi ở đây”. 

Đặc biệt, các con học sinh không chỉ mở lòng với cô Maria mà còn cởi mở hơn với bố mẹ mình. Cô Maria vẫn còn nhớ, trong cuộc họp cuối học kỳ 1, một phụ huynh của học sinh lớp 6 đã xúc động kể rằng, từ khi tham gia lớp học của cô Maria, từ một đứa trẻ ít nói, khép mình, con của họ đã trở nên thoải mái và chia sẻ nhiều hơn với bố mẹ. 

“Những gì tôi giảng dạy đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của mọi người. Đó là điều tuyệt vời nhất với một người làm nghề giáo. Dù hành trình phía trước còn nhiều thách thức, nhưng chắc chắn, tôi biết mình có thể đi và đi rất xa. Các con học sinh đã có giấc mơ của riêng mình, vì thế tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp các con phát triển và biến nó thành sự thực!”.

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN