Nhận biết các triệu chứng cúm và cách phòng ngừa bệnh khi giao mùa
07/02/2025
Cúm mùa là loại bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp từ các chủng virus khác nhau. Các chủng virus gây cúm ở người thường gặp được chia thành 3 nhóm chính là A, B, C. Trong đó cúm A được xem là phổ biến, có mức độ nguy hiểm và nguy cơ lan rộng thành dịch bệnh truyền nhiễm.
Bệnh cúm là một bệnh phổ biến trên toàn cầu, thường bùng phát thành dịch vào mùa đông hoặc khi thời tiết chuyển mùa. Dù phần lớn các trường hợp cúm là lành tính, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao.
Nguyên nhân và đường lây truyền cúm
Cúm mùa do virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với 3 loại chính:
- Cúm A: Cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Các chủng virus cúm A thường gặp bao gồm: H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, trong đó, H5N1 và H7N9 xuất hiện ở gia cầm nhưng có khả năng lây sang người, dẫn đến nguy cơ bùng phát thành đại dịch.
- Cúm B: Chỉ lây lan ở người và gây bệnh nhẹ hơn.
- Cúm C: Hiếm gặp và thường không gây thành dịch.
Đường lây truyền cúm
- Qua giọt bắn: Virus lây lan qua các giọt bắn nhỏ từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.
- Tiếp xúc trực tiếp: Chạm vào bề mặt hoặc đồ vật nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Không khí đông đúc: Các không gian kín, ít thông thoáng là điều kiện lý tưởng cho virus lây lan.
Triệu chứng của cúm mùa
Triệu chứng cúm mùa thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ 1 - 4 ngày, bao gồm:
- Toàn thân: Sốt cao (thường trên 38°C), ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và khớp.
- Đường hô hấp: Ho khan, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Ngoài ra, cúm có các triệu chứng khác là nhức đầu, đau mắt, đôi khi buồn nôn hoặc tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ em). Triệu chứng cúm có thể kéo dài từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài vài tuần sau khi bệnh khỏi.
![](https://greenfieldpalmgarden.edu.vn/upload/photos/shares/67a575273cd6e.jpg)
Biến chứng của cúm
Cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh mạn tính.
Các biến chứng phổ biến của cúm bao gồm: Viêm phổi (nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do cúm); viêm xoang, viêm tai giữa; làm nặng thêm các bệnh lý mạn tính như hen, COPD, hoặc bệnh tim mạch. Các biến chứng hiếm gặp hơn bao gồm: viêm não, viêm cơ tim.
Khi mắc cúm có các biểu hiện cần nhập viện như: Sốt cao kéo dài hơn 3 ngày, khó thở, đau ngực, môi tím tái. Triệu chứng nặng hơn ở các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người ăn kiêng, trẻ em, phụ nữ mang thai…
Phòng ngừa cúm mùa
Trẻ nhỏ, người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng trước nguy cơ nhiễm cúm. Để phòng bệnh hiệu quả, bố mẹ lưu ý tuân thủ một số biện pháp quan trọng sau đây:
Tiêm phòng: Tiêm vaccine cúm là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vaccine cúm được cập nhật hàng năm để phù hợp với các chủng virus mới.
![](https://greenfieldpalmgarden.edu.vn/upload/photos/shares/67a5736727361.jpg)
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng. Không nên tắm khuya sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể. Bên cạnh đó, cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hàng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy, súc miệng bằng nước ấm có pha chút muối loãng giúp sát trùng cổ họng và hạn chế viêm họng.
Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị cúm. Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Nếu ra ngoài, nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang... Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.
Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn làm việc, điện thoại... bằng dung dịch cồn 70*C, cloramin B định kỳ. Virus cúm có thể sống trên các bề mặt này trong một thời gian dài, do đó việc vệ sinh kỹ càng là rất cần thiết.
Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và giảm stress để tăng cường hệ miễn dịch. Một cơ thể khỏe mạnh là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật.
(Phòng Y tế Greenfield School tổng hợp)
Bạn cần hỗ trợ?
HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN