Trong giáo dục, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn
12/11/2021
“Cùng một lượng kiến thức nhưng có con học nhanh, có con hướng dẫn nhiều lần con vẫn thấy khó khăn. Trong lớp học, có con trật tự, tập trung, có con muốn giải tỏa năng lượng. Những lúc đó, nếu bản thân người giáo viên không giữ được sự kiên trì, nhẫn nại thì người chịu thiệt thòi chính là các con học sinh” – Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Phương Dung – Giáo viên Tiếng Anh Trung học, Greenfield School.
Muốn dạy tốt phải hiểu trẻ
Gần 10 năm gắn bó với nghề, từng giảng dạy nhiều thế hệ học sinh khác nhau, cô Phương Dung vẫn nhớ những kỷ niệm ngày đầu đứng lớp.
“Lớp mình dạy có một học sinh bị chứng tăng động, nghịch khủng khiếp và cũng khá ngang ngược khiến giáo viên đứng lớp rất vất vả. Con không bao giờ ngồi yên một chỗ, tới mức mình phải ngồi cạnh con suốt giờ học.
Nếu như bình thường với các con học sinh khác, mình sẽ mời con đứng lên hoặc mời phụ huynh đến làm việc nếu con đánh bạn hoặc có thái độ không tốt. Nhưng mình đã trăn trở rất nhiều. Mình tự hỏi điều con cần là gì, mình có thể làm gì để giúp con có thêm động lực vượt qua khó khăn?
Cuối cùng, mình quyết định sẽ đồng hành với con. Lần nào con gây chuyện, mình cũng kéo con ra một góc phân tích, giải thích… Những lần đó khó mà đếm hết được. Một thời gian sau, con đã có những tín hiệu tích cực. Con vẫn nghịch nhưng đã tự tin hơn”.
Cô Phương Dung cho rằng, để dạy tốt, giáo viên phải thực sự nắm được tâm lý của trẻ. Khi giáo viên cảm thông với trẻ, tìm được những ưu điểm, dù rất nhỏ của học sinh để ghi nhận, để tạo cho các con động lực, niềm tin vào bản thân, các con sẽ tiến bộ từng ngày.
“Cùng một lượng kiến thức nhưng có con học nhanh, có con hướng dẫn nhiều lần con vẫn thấy khó khăn. Trong lớp học, có con trật tự, tập trung, có con muốn giải tỏa năng lượng. Đó là điều bình thường và dễ gặp ở bất cứ lớp học nào. Những lúc đó, nếu bản thân người giáo viên không giữ được sự kiên trì, nhẫn nại thì người chịu thiệt thòi chính là các con học sinh.
Nhiều năm giảng dạy, mình thấm thía được rằng không phải những hình phạt, những bản kiểm điểm sẽ thay đổi được các con học sinh, mà chính sự nhẫn nại, tình yêu thương, lòng bao dung mới là điều khiến các con tiến bộ. Các con sẽ nghe lời và được tự do phát triển theo hướng các con phải như thế chứ không bị gò ép. Tuy nhiên, thay đổi một con người không thể nhìn thấy dược ngày một ngày hai. Trong giáo dục, điều cần nhất, quan trọng nhất vẫn là sự kiên nhẫn”.
Giáo viên – người truyền cảm hứng
Gần 10 năm gắn bó với nghề, cô Phương Dung vẫn vẹn nguyên một niềm đam mê dạy học. Niềm đam mê của cô xuất phát từ tâm niệm “Người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền cảm hứng”. Tâm niệm ấy được đúc rút từ trải nghiệm của chính bản thân cô ngay từ khi còn đi học. Lời chúc của cô giáo chủ nhiệm năm lớp 3 trên tấm thiệp mừng sinh nhật: “Cô tin rằng rồi mai đây khi lớn lên, Phương Dung sẽ trở thành một giáo sư, một bác sĩ, một kỹ sư tài giỏi…” đã tiếp thêm động lực, sự tự tin và thôi thúc cô gái nhỏ luôn hoàn thiện mình.
Cũng chính ảnh hưởng từ những người thầy truyền cảm hứng đã giúp cô Phương Dung tìm ra đam mê của bản thân và quyết định từ chối những cơ hội mà nhiều người mơ ước để dành trọn tâm huyết cho công việc dạy học.
Cô tâm sự:“Mình từng mơ ước được đặt chân đến nước Pháp dù chỉ một lần. Vì thế, sau một thời gian đi dạy, mình tham gia làm tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines để thỏa ước mơ ấy. Sau 3 năm làm tiếp viên hàng không, mình quyết tâm trở lại nghề dạy học với mức lương thấp hơn rất nhiều so với công việc tiếp viên hàng không. Bây giờ nếu cho mình lựa chọn giữa nghề tiếp viên hàng không và nghề giáo, mình vẫn chọn nghề giáo. Mình thực sự cảm thấy muốn gắn bó và hiểu rằng đây chính là điều mình sẽ theo đuổi suốt đời”.
Nhiều năm giảng dạy ở các trường quốc tế, được rèn luyện trong môi trường giáo dục tiên tiến, cô Phương Dung luôn mong muốn mang những gì nhỏ bé mình học được sang trường khác cho học sinh Việt Nam được học hỏi.
“Mình luôn hi vọng các con học sinh sẽ được đối xử theo cách mình nhìn thấy ở các trường quốc tế: Mọi việc làm của cán bộ nhân viên đều dựa trên lợi ích của học sinh đầu tiên. Nếu việc đó không có lợi cho học sinh thì sẽ cân nhắc giảm tải. Khi có vấn đề cần giải quyết giữa Phụ huynh và Nhà trường thì Nhà trường sẽ dựa trên lợi ích của học sinh để đưa ra giải pháp phù hợp. Đó cũng là điều mà mình và các thầy cô ở Greenfield đang hướng tới”.
Với cô Phương Dung, dạy học không chỉ là việc truyền dạy kiến thức một chiều. Từ tâm thế của một người đi dạy, có nhiều bài học cuộc sống giáo viên có thể chắt chiu từ chính học sinh.
“Trẻ con như miếng bông thấm nước. Các con sẽ ngấm tất cả từ người lớn, bạn bè xung quanh. Có con học sinh thích phong cách của cô giáo mà ăn mặc theo cô. Hoặc như chính con của mình cũng ‘ngấm’ cách nói của cô giáo ở lớp của con. Vì thế, từ việc nhỏ nhất mình phải chỉn chu nếu mình muốn học sinh của mình, con mình học được như vậy.
Mỗi một tình huống với các con học sinh đều là bài học để mình tự đúc kết và học hỏi hoàn thiện bản thân. Có một câu nói mình rất thích “Every child deserve a champion who never gives up on them”. Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt. Chúng sinh ra đã là trẻ con. Chúng ta phải học để làm bố mẹ, làm người dẫn đường cho chúng.
Mình luôn tâm niệm khi mình làm việc bằng cái ‘tâm’, các con học sinh sẽ thấu hiểu. Đến một lúc nào đó các con lớn hơn, các con sẽ nhớ đến tình cảm của cô, các con sẽ cảm động mà có thể dạy một ai đó khác. Được sống và được làm đúng với lòng mình, được truyền cảm hứng cho người khác, đó là điều may mắn với bản thân mình” – cô Phương Dung nói một cách hạnh phúc.
Bạn cần hỗ trợ?
HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN